Ngày Tết không chỉ là thời khắc thiêng liêng đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mà còn chứa đựng cả quan niệm sống cũng như những phong tục, tín ngưỡng sâu sắc, độc đáo mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc.
1
Ngày Tết không chỉ là thời khắc thiêng liêng đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mà còn chứa đựng cả quan niệm sống cũng như những phong tục, tín ngưỡng sâu sắc, độc đáo mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc. Chúng tôi tìm hiểu một số phong tục tập quán độc đáo mà dân tộc Thái vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc
Ngày xưa, cũng như các dân tộc khác, dân tộc Thái cũng rất mong tết, bởi tết không chỉ được nghỉ ngơi bởi quanh năm vất vả, bận rộn với công việc, ăn uống đơn giản, chỉ có ngày tết mới được ăn những món ngon, mặc quần áo mới, được ăn bánh kẹo và bánh chưng; được tham gia các trò chơi truyền thống. Do đó, việc chuẩn bị cho tết rất được chú trọng. Để có lợn thịt khi tết đến xuân về, bà con phải nuôi lợn từ đầu năm, lợn chỉ cho ăn cám gạo, ngô, cây chuối, khoai lang hay những cây khoai bon. Nhà nào nuôi tốt thì đến cuối năm lợn mới chỉ được khoảng 70 kg.
Bắt đầu từ ngày 27 - 28 tết nhà nhà mổ lợn, gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị hoa quả, cành đào để thờ cúng ngày Tết. Nhà đông người hay có điều kiện thì mổ một con lợn, nhà ít người hoặc khó khăn hơn thì chung nhau mấy nhà thịt một con. Gia đình nào có nhiều cá, thịt lợn to, thịt trâu để gác bếp ấy là nhà ăn tết to. Việc gói bánh chưng cũng được chuẩn bị từ rất sớm, nhiều gia đình sau khi thu hoạch xong lúa mùa họ đã dành riêng những loại thóc nếp ngon để gói bánh chưng. Thậm chí lá dong, lạt buộc, đỗ... cũng phải lo liệu trước tết hàng tháng.
Trước đây, do cuộc sống nhiều khó khăn, dân cư thưa thớt, trong bản nhà cách nhà hàng mấy trăm mét. Tết rất quan trọng, nhưng ăn uống rất đơn giản, nhà nào có điều kiện thì lấy gạo xay rồi trộn với đường làm bánh cho con cháu ăn; nuôi được con lợn, con gà thì mổ ăn, không có tiền đi chợ như bây giờ. Nếu như trước đây, Tết là cơ hội để cho mọi người được ăn ngon mặc đẹp, thì nay, người ta dành thời gian nghỉ Tết cho việc vui chơi giải trí, thăm bạn bè hay đi du lịch...
Trước đây, khi đến tết thường tổ chức chơi ném còn, tó má lẹ ở sân hay dưới gần sàn. Nhà mọi người thì cách xa nhau, trước bản Chiềng Đông cũng có mấy nhà và ở bản Bói này cũng vậy. Bây giờ nhà ở cạnh nhau, cuộc sống thay đổi nhiều lắm rồi, các hoạt động vui chơi cũng thay đổi, ở bản, xã đều tổ chức vui tết. Đời sống trước khổ lắm, bây giờ có của ăn của để, con cháu vui sướng lắm rồi.
Ngày nay, cuộc sống đủ đầy nên việc ăn uống trong ngày tết hiện đã không còn quá quan trọng. Nếu như xưa kia, cả năm chỉ đợi đến ngày tết để được ăn miếng bánh chưng, thịt lợn, gà... thì nay bánh chưng được bán quanh năm ngoài chợ, thịt cá là những thức ăn hàng ngày. Do đó, đây không còn là những món ăn đặc biệt, cơ bản trong ngày Tết nữa. Nhiều gia đình vẫn duy trì việc gói bánh chưng nhưng chỉ là để cho có không khí ngày Tết. Việc chuẩn bị Tết cũng không phải cầu kỳ, vất vả như trước. Mọi mặt hàng từ hoa quả, bánh kẹo, thực phẩm, đồ uống... đều có sẵn, chỉ dành ra một, hai buổi là có thể sắm đủ.
Tết bây giờ khác xưa lắm rồi cái gì cũng có đầy đủ hết, nhưng lớp trẻ bây giờ không biết chơi trò chơi truyền thống nữa, chủ yếu là đi chơi, du lịch thế thôi.
Xã hội ngày càng phát triển, hiện đại và thay đổi, nhưng người Thái vẫn duy trì và gìn giữ nhiều nét đẹp văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống. Đặc biệt, đối với dân tộc Thái họ vẫn giữ được nhiều nét phong tục đặc sắc, như gói bánh chưng gù để thờ cúng, gội đầu đón năm mới,… Đối với việc làm lý sửa ma nhà đón tết là một trong những văn hóa tín ngưỡng mà người Thái đen vẫn giữ gìn cho đến ngày nay. Từ xưa đến nay, dù xã hội phát triển hiện đại hơn nhưng phong tục làm lý sửa ma nhà trong ngày tết của người Thái không thể bỏ được, vì đây là hoạt động nhằm tưởng nhớ công ơn tổ tiên, để họ phù hộ con cháu sức khỏe, may mắn trong năm mới.
Người Thái, từ xa xưa vần giữ phong tục làm lý ma nhà vào dịp tết. Cuối năm con cháu thu hoạch xong, chuẩn bị con lợn, hoa quả đến năm mới mọi người tổ chức làm lý cúng lên tổ tiên để cầu mong tổ tiên phù hộ.
Mặc dù có nhiều thay đổi nhưng Tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ cổ truyền lớn nhất, tưng bừng và nhộn nhịp nhất của người Việt nói chung và dân tộc Thái nói riêng. Đây là dịp để mọi người cùng nhau hướng đến những giá trị tốt đẹp, đủ đầy, như: ăn ngon, mặc đẹp, nói điều hay, chúc nhau vạn sự như ý, phát lộc phát tài… Đặc biệt, Tết là dịp quan trọng để cả nhà sum vầy, quây quần bên nhau, cùng đón một năm mới an lành, hạnh phúc./.