Cổng thông tin điện tử trường PTDTBTTH Nong U

https://ptdtbtthnongu.pgddienbiendong.edu.vn


TẦM QUAN TRỌNG CỦA TRÒ CHƠI DÂN GIAN TRONG TRƯỜNG HỌC HIỆN NAY

Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại, thì cuộc sống con người trở nên tiện nghi và hiện đại hơn.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA TRÒ CHƠI DÂN GIAN TRONG TRƯỜNG HỌC HIỆN NAY
          Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại, thì cuộc sống con người trở nên tiện nghi và hiện đại hơn. Tuy nhiên, việc gì cũng có mặt lợi và mặt hại có nó, bất kì việc gì cũng thế. Nhất là khi các trò chơi hiện đại ra đời thì các trò chơi dân gian dần bị lãng quên, không ai nhắc tới hay chơi nó. Một số những trò chơi dân gian ngày xưa được nhiều người ưa thích đó là trò chơi kéo co, đẩy gậy,… không những tạo không khí vui vẻ, mang tính tập thể, tinh thần đoàn kết khi chơi mà còn góp phần rèn luyện thể lực, sự khéo léo, nhanh nhẹn, tinh mắt, khả năng phán đoán và chuyển hướng hợp lí,… cho người chơi. Đặc biệt trò chơi giân dan còn là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân Việt Nam.
3

Đối với học sinh trường PTDTBT TH Nong U, ngoài việc học tập ở trên lớp ra thì các em còn thường xuyên được tham gia chơi các trò chơi dân gian, giúp các em thư giãn sau những giờ học căng thẳng, rèn luyện sức khỏe, có kĩ năng thực hành, không những thế mà còn giúp các em biết đến tầm quan trọng của những trò chơi dân gian được lưu truyền từ ngày xưa.
        Một trong những trò chơi dân gian được các em ưa chuộng đó là “kéo co”. Đây là một trò chơi dân gian thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí đồng đội, đồng lòng vì một mục tiêu của những người tham gia. Để chơi trò chơi này chúng ta chỉ cần chuẩn bị một sợi dây thừng sợi to, dài và có một chiếc cờ hay dải lụa buộc ở giữa chiếc dây.
2

   Các em tham gia sẽ chia thành hai đội với số lượng người bằng nhau và đứng về hai phía của sợi dây và cầm thật chắc chắn. Sau khi có hiệu lệnh từ trọng tài, hai đội sẽ dùng sức mạnh của mình để kéo sợi dây về phía mình, để cho dải lụa hay chiếc cờ được buộc trên đó được kéo qua vạch xuất phát để giành được chiến thắng. Trò chơi thường được diễn ra trong vòng ba hiệp đấu, đội nào mà thắng hai hiệp thì sẽ giành được chiến thắng chung cuộc. Ở một số địa phương, người ta chơi kéo co bằng cách trực tiếp kéo nhau mà không sử dụng dây thừng để làm vật kéo. Hai người đứng đầu đội sẽ đại diện để nắm tay vào nhau, các thành viên khác trong đội sẽ lần lượt xếp thành hàng và ôm bụng người ở phía trước mình giống như tạo thành một đoàn tàu và kéo. Trong cách chơi này, nếu như bên nào buông tay trước thì coi như bên đó sẽ nhận phần thua.
4

          Một trò chơi nữa mà cả các em học sinh nam và nữ đều thích đó là “Đẩy gậy”. Đẩy gậy vừa là trò chơi dân gian, vừa là môn thể thao truyền thống cần đến sức khoẻ và sự khéo léo của vận động viên, thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, trong những ngày tết, ngày hội văn hoá, thể thao. Vào những dịp này, đẩy gậy đã tạo nên vẻ đẹp mang đậm màu sắc dân tộc. Đây là hình ảnh đặc trưng của lễ hội miền núi – nơi các em đang sinh sống và học tập. Để tổ chức thi đấu môn Đẩy gậy chỉ cần có gậy thi đấu làm bằng tre già (tre đực) thẳng hay những thành gỗ tốt có chiều dài 2m, đường kính từ 4 - 5cm, được sơn 2 màu đỏ và trắng (mỗi màu 1m); đầu và thân gậy phải được bào nhẵn và có đường kính bằng nhau. Sân thi đấu là một vòng tròn có đường kính 5m, vạch giới hạn rộng 5 cm nằm trong phạm vi của sân có mầu trắng hoặc khác với màu nền sân! Sau khi các vận động viên đã hoàn tất thủ tục chuẩn bị thi đấu, trọng tài chính dùng khẩu lệnh “cầm gậy”, các vận động viên mới được phép cầm gậy theo quy định của luật; trọng tài chính một tay cầm chính giữa gậy, khi các vận động viên đã ở tư thế sẵn sàng, đúng luật, hô dự lệnh “chuẩn bị”, sau đó thổi một hồi còi phát lệnh cho hiệp đấu bắt đầu, đồng thời buông tay cầm gậy ra.
5

        Theo quy định luật chơi, bên nào chân chạm vào vạch hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc. Mỗi cuộc thi đẩy gậy thường diễn ra trong 2- 3 hiệp. Khi kết thúc trận đấu, trọng tài chính và 2 vận động viên mặt hướng về ban tổ chức, trọng tài chính hai tay cầm tay 2 vận động viên, giơ tay vận động viên thắng cuộc lên cao, sau đó các vận động viên rời sân. Trò chơi dân gian không chỉ đơn thuần là thú tiêu khiển của các em mà còn rèn
luyện cho các em khỏe mạnh về thể chất, về sự phán đoán, óc tư duy sáng tạo và
đặc biệt là rèn cho các em sớm có tính tự lập, chủ động, biết yêu thương con người, yêu thương thiên nhiên và cuộc sống quanh mình từ đó hình thành tốt kỹ năng sống và giá trị sống để vận dụng vào thực tiễn hàng ngày.
Trường PTDTBT TH Nong U đã và đang thực hiện việc tổ chức các trò chơi dân gian cho các học sinh trong giờ ra chơi, các buổi sinh hoạt ngoại khóa,… để vừa giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống vừa tạo sân chơi lành mạnh cho các em thoát khỏi những trò tiêu khiển hiện đại góp phần phát triển toàn diện trong công tác giáo dục.

 

Tác giả bài viết: Vũ Thị Nga

Nguồn tin: Trường PTDTBT TH Nong U

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây