Dưới chân đồi thông Nong U là bản Tìa Mùng B, xã Nong U, huyện Điện Biên Đông những ngày cuối năm. Dưới tán đào đang bung nở sắc hồng, không khí tết đã tràn ngập khắp nơi, dưới mỗi nếp nhà.
Dưới chân đồi thông Nong U là bản Tìa Mùng B, xã Nong U, huyện Điện Biên Đông những ngày cuối năm. Dưới tán đào đang bung nở sắc hồng, không khí tết đã tràn ngập khắp nơi, dưới mỗi nếp nhà. Nhà nhà mọi người đang chuẩn bị cho dịp tết cổ truyền. những phụ nữ Mông đang mải miết khâu những đường chỉ cuối cùng cho bộ váy mới. Và điều đặc biệt nhất là ở bản Mông này, ai cũng tự chuẩn bị cho mình những bộ váy áo dân tộc đầy màu sắc để chuẩn bị đón một mùa xuân ấm áp. Hội xuân trên bản Mông là một dịp tất cả các thành viên trong gia đình được hội tụ và chia sẻ với nhau về những khoảng khắc trong năm vừa qua.
Khi núi rừng Tây Bắc khoác lên mình chiếc áo rực rỡ của những cánh hoa đào, hoa mơ, hoa mận; đâu đó tiếng khèn Mông gọi bạn hòa với những bản tình ca lãng mạn vang vọng khắp bản làng. Trong ánh nắng đầu Xuân ngọt ngào đã phần nào xua đi cái lạnh vùng cao, mọi người cùng nhau thêu thùa, xuống chợ phiên cuối năm để chuẩn bị đón một cái Tết sum vầy.
Nhân ngày nghỉ lễ, tất cả mọi người trong gia đình cùng nghỉ ngơi, ăn mừng mùa vụ, trao đổi kinh nghiệm lao động sản xuất và cũng là dịp để thể hiện lòng biết ơn đối với Tổ tiên, trời đất đã che chở, phù hộ cho bà con thôn bản có một vụ mùa bội thu, gia đình được mạnh khỏe, bình an và cầu mong những điều tốt đẹp hơn sẽ đến với họ trong một năm mới. Líu chân tôi ngay từ đầu bản, là hình ảnh những trái đào non mơn mởn rung rinh lấp ló, chao nghiêng xuống ven đường.
Núp dưới những mái nhà gỗ đơn sơn, xung quanh toàn vườn rau cải mèo, cây đào, cây mận, cây chanh đã rụng hết lá còn trơ trọi lại những quả vàng óng mỡ màng cuối mùa bên triền núi. Phía bãi đất trống rộng rãi trên sân vận động, có mấy cậu bé, chàng trai đang tập trung đánh quay, thi nhau đá bóng. Một vài bé gái hai má lấm lem nứt nẻ ửng hồng đứng gần đó, diện trên mình bộ quần áo truyền thống sặc sỡ sắc màu ríu rít chuyện trò, nô đùa với nhau bằng thứ tiếng mẹ đẻ. Ném pao thường được người Mông chơi vào các dịp lễ hội đầu xuân. Để tham gia trò chơi, người chơi được phân chia làm 2 đội, 1 bên nam và một bên nữ đứng cách nhau từ 3 - 5 m. Tài khéo léo của người ném pao là không để cho pao rơi xuống đất và được giao ước với nhau bằng số lần ném, số lần bắt được pao, nếu bên nào thua thì phải hát một bài hoặc làm một điều gì đó do đội thắng quy định.
Khi ném pao cũng là lúc đôi trai gái cùng trao nhau ánh mắt, nụ cười. Họ chơi ném pao để trao nhau tình cảm, sau cuộc chơi nếu thấy ưng ý thì người con trai sẽ giữ lại quả pao của cô gái để tìm đến nhà bày tỏ tình cảm, tiến tới kết duyên đôi lứa Người phụ nữ mông rất đảm đang trong mọi việc: như se lanh, nhuộm vải, thêu thùa may vá, người phụ nữ Mông đến tuổi trưởng thành cũng phải biết làm quả pao để chơi ngày hội. Trò chơi ném pao thì có từ lâu lắm rồi, chỉ biết từ ngày xa xưa ông bà đã chơi thì sau này trai gái trong bản lớn lên đi đều biết ném pao.