Ở một vùng núi cao cách thành phố Điện Biên khoảng 40km có một ngôi trường ẩn sâu các dãy núI
Ở một vùng núi cao cách thành phố Điện Biên khoảng 40km có một ngôi trường ẩn sâu các dãy núi. Ở đây các em học sinh được đến trường với đa số là con em dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn về mọi thứ. Nhờ vậy mà các em đã nhận được sự hỗ trợ từ nhà nước và được nhà trường tạo điều kiện cho các em được sinh hoạt, ăn, ngủ tại trường để phần nào giúp các em đỡ vất vả trong việc di chuyển khi đến lớp.
Đồng nghĩa với việc là các em phải ở lại tại trường, tự mình sinh hoạt và vệ sinh bản thân. Đối với các em đó là những bước tự trưởng thành của bản thân giúp các em có khả năng tự lập trong cuộc sống. Nhưng bên cạnh đó cũng còn rất nhiều khó khăn nhiều em còn rất nhỏ không thể nào tự phục vụ cũng như chăm sóc bản thân được. Và các em cũng không thể nào tránh khỏi việc phải xa bố mẹ các em sẽ tủi thân, nhớ gia đình, nhớ bố mẹ.
Là một người giáo viên vùng cao phần nào hiểu được những thiếu thốn, vất vả và khó khăn của các em. Chính vì vậy mà tôi càng thấu hiểu và thương các em nhiều hơn. Ngoài công việc hàng ngày các thầy cô giáo dục dậy dỗ các em ở trên lớp thì các thầy cô giáo còn giống như những người bố người mẹ thứ hai của các em là nơi chia sẻ, trò chuyện với các em để giúp các em giảm bớt nỗi nhớ nhà. Chăm lo cho các em từng bữa ăn giấc ngủ, quan tâm đến sưc khoẻ của các em.
Trong quá trình vệ sinh giữ gìn cơ thể các em không tránh khỏi việc vệ sinh không sạch sẽ dẫn đến bị mắc một số bệnh về ngoài da. Những khi các em bị đau hay ốm thì các thầy cô lại trở thành những người thầy thuốc chữa trị cho các em, lo lắng cho các em. Làm sao để đảm bảo sức khoẻ cho các em, để các em có thể tham gia học tập đầy đủ trên lớp cũng như sinh hoạt hàng ngày. Tình cảm của thầy cô dành cho các em không ít hơn bố mẹ dành cho các em.
Những lúc thấy các em khóc thầy cô cũng đau lòng, thấy các em đau thầy cô cũng lo lắng. Chỉ hi vọng rằng các em luôn mạnh khoẻ, vui vẻ là thầy cô cảm thấy yên lòng.